ĐỐI VỚI RỪNG, TA LÀ AI?
Nhưng đã bao giờ ta tự hỏi, đối với rừng, chúng ta là ai?
CHÚNG TA LÀ NHỎ BÉ
Đối với rừng, chắc chắn chúng ta nhỏ bé. Rừng là cái nôi của sự sống, của những cá thể đầu tiên từng xuất hiện, lâu đời hơn con người, hùng mạnh hơn con người, và có sức mạnh tiến hoá cả nhiều giống loài. Chúng ta có dòng thời gian hữu hạn, nhưng rừng thì không như vậy. Rừng thấm sâu trong đất, rừng vươn cao trên muôn loài, rừng hiện diện trong từng thớ cây ngọn cỏ, và bản chất của rừng là tế bào tự sinh tự diệt. Rừng vẫn ở đó mãi mãi, trong từng sự sống đang tái sinh, và trong từng mảng tro của tàn lụi.
Vì có khi ta nương nhờ cả cuộc sống của mình trong rừng, nên rừng còn trở thành một tín ngưỡng. Con người nhỏ bé, nhưng nhỏ bé trong tâm thế hoà hợp với cội nguồn và lẽ sống từ rừng. Rừng có tươi xanh và cằn cỗi, như ta có hỷ nộ ái ố. Rừng có khoan hoà và thịnh nộ, như ta có bao dung và tàn nhẫn. Ta sống với rừng, và như thuộc về đại ngàn của rừng cả thân và tâm.
CHÚNG TA LÀ HY VỌNG, LÀ KỲ VỌNG CỦA RỪNG
Giữa ta và rừng tồn tại mối quan hệ cộng sinh làm nên hệ sinh thái: rừng cho ta sự sống, và ta đền đáp, bảo tồn sự sống cho rừng. Cả hai đều tồn tại như một tất yếu của tạo hoá mà không thể phủ định một bên nào.
Nên chúng ta là những hy vọng. Ta có quyền quyết định sự vun đắp, đền ơn báo đáp cho rừng. Ta có quyền lan tỏa sự sống, đưa những đứa con khác trở về với rừng, từ những cá thể quý hiếm nhất, cho đến những cá thể từng thuộc về rừng dù chỉ là một lần. Ta cũng là kỳ vọng của rừng, để bảo tồn những gì vốn dĩ đã là một lẽ sống, để nâng cao ý thức về trọng trách và ân nghĩa của chính mình với rừng. Có những cánh rừng non là sẽ có hy vọng, còn những cánh rừng già là còn cội nguồn.
CHÚNG TA LÀ TRI KỶ CỦA RỪNG
Có thể những cái nhìn đầu tiên của ta về rừng là cảm giác rợn ngợp, bối rối, sợ hãi, nhưng chắc chắn không phải là xa lạ. Ta không bước ra từ rừng, nhưng thân và tâm ta bước vào rừng như trở về một mái nhà đã thân quen, như một vòng tay dang rộng ôm ta vỗ về. Những đồng điệu ấy chính là tri kỷ, bởi rừng vốn dĩ là cội nguồn, là nơi ta bắt đầu, rừng sống trong ta.
Là một thương hiệu làm đẹp với sứ mệnh “Vươn tới vẻ đẹp đích thực”, Menard Việt Nam chưa bao giờ dừng chân trên hành trình lan toả cái đẹp nhân văn tới cộng đồng. Và với tình cảm đặc biệt dành cho rừng, tình “tri kỷ” vô hình gắn kết con người và thiên nhiên, dự án “Về rừng” là lời hồi đáp của Menard với tiếng gọi và sự kỳ vọng của rừng. Từ những cánh rừng non Vị Xuyên (Hà Giang), Tà Kóu (Bình Thuận), nay trở về cánh rừng già Cúc Phương, thương hiệu vẫn luôn ấp ủ hy vọng kiếm tìm thêm câu trả lời cho câu hỏi: đối với rừng, chúng ta là ai?
Ngày 02/04, Menard Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Vườn quốc gia Cúc Phương trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Là tri kỷ của rừng cũng đồng nghĩa với trở thành tri kỷ của từng cá thể thuộc về rừng.
Giống như chúng ta, những loài động vật hoang dã cũng nhỏ bé, cũng nương náu trên mảnh đất cội nguồn và hít thở nguồn sinh khí từ cùng một “mẹ”. Còn gì thiêng liêng hơn giây phút được giải phóng từng cá thể động vật chạy về ôm lấy mẹ thiên nhiên, ta nhận ra sứ mệnh kết nối và nâng đỡ của mình đối với rừng. Tri kỷ là thấu hiểu, là cùng tôn thờ một lẽ sống, và cả sự bảo vệ lẫn nhau. Hy vọng thông qua sự kết nối lần này, Menard có thể lan tỏa thông điệp và những góc nhìn mới về một hoạt động không kém phần quan trọng đối với hành trình đền đáp rừng, đó là bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Theo Elle. vn